Mưa tuyết bất thường đảo lộn đời sống người dân Lào Cai

Mưa tuyết bất thường đảo lộn đời sống người dân Lào Cai

Những gì còn lại sau cơn mưa tuyết rất đỗi bất thường kèm theo băng giá và sương muối trải trên diện rộng tại các huyện vùng cao Sa Pa, Bát Xát và Mường Khương của tỉnh Lào Cai trong suốt hai ngày qua là buốt lòng và đổ nát. 
 >>  Tuyết phủ dày gần 10cm, nhiều phương tiện nằm chờ tuyết tan

Nhiều em học sinh phải nghỉ học ở nhà tránh rét, hàng trăm vật nuôi đặc sản bản địa chuẩn bị cho Tết nguyên đán Giáp Ngọ bỗng chốc “bốc hơi” vì băng tuyết, hàng chục ha hoa màu của bà con nông dân bị tàn phá, khiến người dân vùng cao Lào Cai vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn nữa.

Lao đao vì băng tuyết

Khu vực Thác Bạc (Sa Pa) tuyết rơi phủ dày đến 30cm. Ảnh: Văn Thắng - TTXVN
Khu vực Thác Bạc (Sa Pa) tuyết rơi phủ dày đến 30cm. Ảnh: Văn Thắng - TTXVN

Các con đường tiến về điểm du lịch Sa Pa nổi tiếng đều bị tắc nghẽn, xe cộ đi lại thực sự rất khó khăn. Chiều16/12 tại khu vực Cổng Trời trên tuyến Quốc lộ 4D, theo quan sát của phóng viên, giao thông vẫn bị tê liệt vì băng tuyết dày phủ kín có chỗ lên nửa mét. Lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ không ngừng nghỉ nhưng vẫn không tránh khỏi những vụ va chạm bất thình lình. Tuyết vẫn trắng xóa trên các cung đường, ruộng bậc thang, chẳng dự đoán được đến khi nào dừng lại. Bên cạnh dòng người tấp nập nườm nượp đến ngắm tuyết rơi, chụp những khung cảnh lãng mạn thì có những con người lặng lẽ… dở khóc dở cười khi nghĩ đến bao công sức, tiền của và cả niềm hy vọng bỗng chốc chìm trong tuyết trắng.

Chúng tôi vượt qua từng lớp băng tuyết có chỗ dày quá đầu gối người đoạn qua khu vực đèo Ô Quý Hồ, ở độ cao 1.500 - 1.900 m so với mực nước biển mới chứng kiến được hết những mất mát của người dân nơi đây. Cách đây vài tháng, ở khu vực này hàng trăm ha su su được trồng xen trong những hốc đá lởm chởm sắc nhọn là bạt ngàn cả một màu xanh tươi với những trái su su to, dày chi chít. Ði từ chân đèo Ô Quý Hồ đến Thác Bạc, gần chục km những giàn su su kéo dài từ thung lũng sâu lên tận đỉnh núi, tràn qua những gò đồi kế tiếp như bát úp. Vậy mà, hôm nay khung cảnh ấy bỗng chốc đổi màu trắng xóa.

Xót xa đứng trước hàng chục hecta su su gãy giàn, không tái sinh được mùa mới, bà Hoàng Thị Ngọc, thị trấn Sa Pa nghẹn ngào: “Bà con cũng vừa thu hoạch su su hồi tháng trước, cũng tưởng đã ấm cái bụng rồi, thế là có tiền mua phân bón, chăm sóc dàn su su cho vụ mới cũng vừa xong, chỉ sau một đêm mưa tuyết dàn sập hết cả. Vậy là bao nhiêu tiền của vừa mới đổ vào giờ thì mất sạch rồi”.

Không chỉ có bà con trồng su su kêu trời vì tuyết, các gia đình trồng hoa tết cũng nhăn nhó vì mất mùa. Háo hức chờ đợi những chậu địa lan đến ngày khoe sắc, những vườn hồng vào mùa nở rộ chào xuân Giáp Ngọ nay chỉ còn đó những vườn hoa bị dập nát, những bông hoa phủ trắng tuyết, tuyết tan thì ngập úng...

Tất nhiên, ở vùng đất này, tuyết rơi là hiện tượng thiên nhiên bình thường, từng xảy ra nhiều lần trong mùa đông. Điều bất ngờ nhất là mưa tuyết năm nay đến sớm hơn khi mới bắt đầu đợt rét đậm đầu tiên và đây là trận mưa tuyết lớn nhất, xảy ra trên diện rộng lớn nhất từ trước đến nay ở Lào Cai. Thế nên với bà con, hiện tượng tuyết phủ giống như cơn ác mộng mà hầu như chưa gia đình nào kịp trở tay.

Ông Giàng Seo Gà, xã Tả Van, huyện Sa Pa than thở: “Nào ngỡ có tuyết rơi nhanh thế, lại dày và lâu đến thế. Đàn bò thì ngày ngày vẫn thả rông thôi, chưa ai có ý nghĩ sẽ đưa chúng xuống khu vực thấp hơn để tránh rét, cũng chưa có gia đình nào dự trữ cỏ để phục vụ trâu bò những ngày tuyết phủ cả. Bây giờ thì làm sao mà đưa đi kịp nữa. Thế nên, chúng đói và rét lắm. Từ hôm qua đến giờ nhà mình và bà con cũng mất mấy con trâu giống rồi, giờ cái mưa tuyết không còn đẹp nữa đâu mà như muối xát vào lòng bà con dân bản mình rồi”.

Tết đã đến gần nhưng...

Khung cảnh tuyết rơi vẫn thu hút rất nhiều khách phương xa nhưng lại đắng lòng người dân bản địa. Cái Tết sắp đến gần nhưng nhìn quanh chỉ toàn là tuyết trắng, mùa màng cây cối, nhà cửa dường như cũng trắng xóa, chìm ngập trong thảm tuyết trắng. Bà con chăn nuôi, trồng trọt đến ngày hái quả, chờ đón Tết nhưng trận tuyết dường như xóa sổ mọi nhọc nhằn, mọi công lao của họ.

Rau sạch bản địa và hoa màu trên nương tại Sa Pa bị phủ kín bông tuyết. Ảnh: Văn Thắng - TTXVN
Rau sạch bản địa và hoa màu trên nương tại Sa Pa bị phủ kín bông tuyết. Ảnh: Văn Thắng - TTXVN

Chị Lý Thị Lan, thị trấn Sa Pa nhìn những chậu địa lan của mình bị tuyết phủ lấp buồn lòng: “Trồng hoa đợi Tết, bán được nhiều tiền lắm đấy, chậu đẹp cũng phải mấy chục triệu chứ không ít đâu. Chăm sóc cũng mệt lắm, mấy tháng trời mới được đến ngày có hoa nở. Thế nên Tết nào cũng vui, cũng ấm cúng. Nhưng năm nay thì bao nhiêu hy vọng bị đổ sập rồi, làm gì còn lan đẹp mà bán, làm gì còn Tết nữa”.

Dạo quanh khu vực các xã Trung Chải, Sa Sả Hồ… quanh khu vực thị trấn Sa pa, bà con dân tộc bản địa dường như chẳng tha thiết gì đến chuyện ngắm tuyết như những vị khách du lịch từ nơi xa đến. Của đáng tội, cảnh đẹp đến đâu nhưng cái bụng không no, không ấm thì cũng vẫn buồn phiền. Ngồi nói chuyện càng thấy đồng bào nơi đây trông ngóng và hy vọng vào cái Tết này đến thế nào, càng hiểu sự thất vọng và bất lực trước thiên nhiên của họ. Vụ su su thu hoạch tháng trước cũng được kha khá thì lại đầu tư vào vụ mới, thực phẩm cho Tết cũng dự kiến sẽ đầy đủ với gia súc, gia cầm tự cung tự cấp thì nay chúng đang có nguy cơ chết hàng loạt bởi thời tiết. Ông Nguyễn Vũ Huyên, đang trên đường đi mua cỏ cho trâu về nhà ở San Sả Hồ (Sa Pa) lắc đầu chia sẻ khi chúng tôi hỏi chuyện: “Biết là thời tiết nhiều khi phụ lòng người lắm nhưng vẫn buồn chứ. Tết này mấy đứa nhỏ lại chẳng được quần áo mới, chẳng được ăn thịt ngon và rau tươi rồi. Mấy năm nay đời sống có khá hơn đấy nhưng mà tết này như thế là không đủ no đâu”.

Nhìn những đàn gia súc đang chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, bất giác chúng tôi lại nhớ đến trận tuyết rơi lịch sử năm 2011 đã từng xảy ra ở tỉnh Lào Cai làm chết khoảng 30 con trâu nghé tại các xã Sa Pả, Bản Khoang, Trung Chải, Sa Sả Hồ... của huyện Sa Pa. Còn tại ba xã vùng cao là Ý Tý, A Lù và Ngải Thầu của huyện Bát Xát, nhiệt độ xuống mức âm 1-2 độ C nên hơn 2.000 học sinh (109 lớp) từ mầm non đến Trung học phổ thông phải nghỉ học.

Rời Sa Pa khi bầu trời đã hửng sáng nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy Sa Pa vừa đẹp vừa đáng sợ như thời điểm này. Nhìn đời sống sinh hoạt của người dân vùng cao Lào Cai thời điểm này, mới hiểu thêm về sức sống mãnh liệt của bà con đồng bào dân tộc bản địa, biết sống chung với giá rét, với tuyết phủ và với cả những mất mát bất ngờ như thế.

Theo Nguyễn ThắngBaotintuc.vn